Solo marathon – chạy bộ một mình

solo marathon

The solo marathon
Seth Godin

The usual marathons,
the popular ones,
are done in a group.
They have a start time.
A finish line.
A way to qualify.
A route.
A crowd.
And a date announced a year in advance.
Mostly, they have excitement, energy and peer pressure.

The other kind of marathon is one that anyone can run, any day of the year.
Put on your sneakers, run out the door and come back 26 miles later.
These are rare.

It’s worth noting that much of what we do in creating a project, launching a business or developing a career is a lot closer to the second kind of marathon.
No wonder it’s so difficult.

https://seths.blog/2019/06/the-solo-marathon


Tôi chạy bộ hàng ngày, thường một mình. Thường thì theo bài tập cố định 5km, 10km, chạy biến tốc, chạy dài, chạy hồi phục. Đôi khi thì theo ngẫu hứng, đeo headphone vào để nghe Audio Book, rồi cứ chạy. Đây là cách thiền tập của tôi, hiệu quả và thoải mái.

Và tương tự cho sự nghiệp, kinh doanh, khởi nghiệp với vai trò là người dẫn dắt – nó luôn là cuộc marathon dài hơi, mỗi ngày thức dậy từ refresh đầu óc của mình, “xỏ giày vào” và chạy.

Sau 2 năm chạy bộ, cuối cùng tôi đã hiểu những triết lý sâu xa đến từ bộ môn này. Và tôi hạnh phúc khi đã lựa chọn nó.

Chiến lược Explore or Exploit

Bài học đơn giản từ sách Atomic Habits của James Clear, mà mình cũng đã tự áp dụng hơn 10 năm nay.

Trong sự nghiệp cũng như công việc kinh doanh, có 2 “mode” để bản thân/công ty có thể thay đổi qua lại để hoạt động:

  • Explore – khai phá, tìm tòi, thử nghiệm
    Đối với bản thân, đó là việc học thêm kĩ năng hoặc công nghệ mới, làm 1 số việc ngoài chuyên môn, thử thách bản thân với project lạ, …
    Đối với công ty, đó là việc R&D thêm sản phẩm mới, test thử thị trường niche, trao đổi hợp tác với đối tác mới (thậm chí ngoài ngành).
    => Đây là giai đoạn mình mở rộng năng lực, phạm vi hoạt động của mình ra để không chỉ tự làm mới mà cho mình tìm thêm cơ hội đang ẩn nấp ngoài kia.
  • Exploit: khai thác, đào sâu, thu hoạch
    Đối với bản thân, đó là việc tập trung vào chuyên môn, làm tốt nhất có thể công việc hiện tại của mình để tạo nên sự thăng tiến nghề nghiệp.
    Đối với công ty, đó là việc khai thác triệt để thị trường mình đang có, tăng thị phần, giành giựt khách hàng với đối thủ để có thể thu gom doanh thu và lợi nhuận cao nhất.
    => Đây là giai đoạn mình tối ưu hiệu quả, khai thác những gì minh đang có càng nhiều càng tốt

Như vậy thì khi nào thì nên ở mode nào:

  • Khi mọi chuyện đang thuận lợi, bật mode Exploit lên để khai thác triệt để.
  • Khi mọi chuyện bắt đầu trở nên khó khăn (có thể do thị trường quá cạnh tranh, chuyên môn của mình ko còn là thế độc tôn nữa) thì bật mode Explore lên để khai phá.

Nhưng thật ra tốt nhất là phải duy trì song song theo nguyên tắc 80/20 chứ không chỉ nên một mode nào cả.

  • Khi bạn đang có công việc thuận lợi, tập trung vào chuyên môn của mình 80% để thăng tiến, để kiếm tiền. Tuy nhiên vẫn dành 20% để tìm hiểu thêm những mảng khác, ngành khác, chuyên môn khác. Vừa để đỡ chán, vừa để dự phòng và cho mình cơ hội tìm thêm thu nhập hoặc các bước nhảy mới.
  • Khi bạn mới bắt đầu hoặc khởi động lại, thì cho phép mình dành 80% thời gian để khám phá, thử nghiệm nhiều thứ khác nhau. Tuy nhiên vẫn dùng 20% để kiếm thu nhập từ kỹ năng mà bạn đang làm tốt nhất để nuôi sống chính mình.

Và cuối cùng, đây là cách hay làm của Expert Generalist để phát triển chữ T của họ ngày càng rộng ra, cũng như có thêm nhiều chỗ đào sâu mới.

Career Path cho Entrepreneur là gì?

Dạo này nhiều trăn trở bản thân với gặp nhiều anh em đồng cảnh ngộ quá nên đang suy nghĩ nhiều về chủ đề này. Tạm gọi bản thân cũng là một kiểu entrepreneur, đâu đó cũng hơn chục năm rồi, nhưng chưa bao giờ nghiêm túc suy nghĩ về career path cho chính mình hết. Và cũng tin đây không phải chỉ là trăn trở của mình Hải An tui.

Tạm gọi Entrepreneur nó rộng hơn tí là những người đang đứng đứng đầu tàu lèo lái một công ty – đa phần là do bạn sáng lập ra, làm founder/co-founder này nọ. Hoặc cũng có thể bạn được kéo về để dẫn dắt một công ty có sẵn. Trường hợp mình đang nói sẽ phần nhiều dành cho những bạn founder/co-founder hơn.

Có thể bạn vẫn đang điều hành công ty của mình thành lập, hoặc vừa kết thúc vai trò đó (exit được trường hợp happy, hoặc đóng cửa trong trường hợp ko happy), có bao giờ bạn đặt câu hỏi hướng phát triển sự nghiệp sắp tới của mình là gì ko?

Có thể bạn luôn đặt tâm trí vào sự phát triển của công ty, còn với chính bạn thì sao? Bạn có dành thời gian cho chính việc “growth” của chính mình chưa?

Hiện tại mình thấy có vài khả năng như sau:

A. Trường hợp tốt nhất: công ty bạn lớn mạnh hằng ngày với sự điều hành của bạn, đồng thời bạn cũng nâng cấp bản thân mình liên tục để up level theo công ty nên cũng chẳng cần tuyển CEO về thay cũng như vô vàn thứ để học và growth. Ví dụ: Facebook, Grab, VNG, … Đây là case của founder nào cũng mong muốn với career growth của bạn gắn với sự phát triển của công ty. Và đến một thời điểm nào đó, bạn có thể chủ động chọn cho mình việc ngưng lại và tìm kiếm hướng đi mới một cách chủ động. Tuy nhiên cũng chỉ một số ít ỏi những bạn entrepreneur vô cùng tài năng mới thuộc nhóm này thui hihi, và đa phần ai cũng nghĩ mình thuộc nhóm này hơ hơ

B. Công ty của bạn bị mắc kẹt – công việc kinh doanh cũng đi vào ổn định, sự hiện diện của bạn cũng chẳng ảnh hưởng to tác lắm đến công ty, bạn cũng không học được thêm thứ gì mới, cũng như không biết làm sao đưa công ty mình tiến lên. Đây là trường hợp thật sự khá phổ biến – chủ yếu là bạn founder có dám nhìn nhận thực tế hay không thôi. Và trong đó nó có 2 trường hợp nhỏ hơn:

B1 – Công ty out-growth (phát triển nhanh hơn) bạn: khi đó sự mắc kẹt đến từ bạn nhiều hơn. Vậy thì bạn có dám kéo thêm nhà đầu tư, kéo thêm những người mới cùng điều hành để giải quyết vấn đề và đưa công ty lên tiếp? Hay bạn sẽ lẩn quẩn vài ba năm, rồi một ngày nào đó cũng phải khai tử công ty?

B2 – Bạn out-growth công ty: khi đó có thể là do biz model hoặc ngành nghề của công ty bạn, dù bạn muốn làm nhiều hơn nhưng cũng không thể đẩy nhanh được. Dẫn đến bạn bắt đầu dư thừa thời gian và lẩn quẩn với chính mình.

Khi đó bạn có thể chọn việc “khám phá” thêm những thứ mới hơn – lập thêm công ty mới hoặc đi làm tư vấn, đi đầu tư, … Khi bạn đã là entrepeneur, bạn sẽ luôn thấy nhiều cơ hội để làm. Tuy nhiên vấn đề cốt lõi là những thứ “mới” đó có thật sự mới cho bạn không? Liệu bạn có thể học thêm được gì không hay chỉ là một vòng lặp cũ cho việc lập ra công ty, xây nó lên, xong rồi lại kẹt tiếp sau một thời gian (hi vọng là nhanh hơn so với công ty trước đó).

Hoặc bạn sẽ đi tìm cách để exit và sát nhập vào một công ty lớn hơn để có thể tìm thêm cơ hội để thử thách bản thân mình ở level mới hoặc một vai trò mới.

Vấn đề lớn nhất của trường hợp B này là bao lâu bạn cảm nhận mình đang có vấn đề, nhất là với những bạn mới làm startup lần đầu, bạn luôn nghĩ mình phải cố gắng hết sức, không được bao giờ bỏ cuộc giữa đường. Nhưng rồi mất thời gian 2-3 năm không phát triển được chính mình, khi đó bạn thật sự đang mất nhiều hơn được.

C. Bạn lựa chọn bị mắc kẹt: có thể công ty của bạn sẽ là một “life-style business” rất tốt, bạn kiềm được thu nhập ổn định (hoặc thậm chí tăng trưởng tốt) từ doanh nghiệp của mình.

Khi đó chẳng có gì sai để vẫn an phận với những gì bạn đang có. Có thể bạn đã đủ thu nhập lo cho chính mình, gia đình mình và công ty này cho phép bạn từ từ có thời gian để theo đuổi những sở thích và ước mơ của mình. Có thể từ “lựa chọn bị mắc kẹt” nghe hơi tiêu cực, có thể nên là bạn tìm được cách tốt nhất có được sự tự do tài chính cho bản thân mình. Và đây cũng có thể là lựa chọn tốt nhất cho cuộc sống của bạn.


Rồi vậy career path là gì?

Hay chính xác hơn Career Path Planning là gì? là việc bản thân bạn chủ động lên kế hoạch cho việc bản thân mình sắp tới, từ đó sẽ dẫn đến 1 loạt câu hỏi khó:

  • Trong vòng 5-10 năm tới mình hình dung bản thân mình sẽ ở đâu? làm gì?
    (có thể sẽ vẫn là điều hành tiếp công ty hiện tại, hoặc có thể mình đang ở đâu đó khác rồi chăng?)
  • Kỹ năng mình mạnh nhất là gì? Những kỹ năng nào mình cần phải học thêm? Học được những kỹ năng đó ở đâu?
  • Kinh nghiệm nào mình muốn có được? Có thể là điều hành công ty 20-50 người? hay 100 người hay 1000-2000 người?
  • Chuyên môn ngoài việc điều hành của mình là gì?
  • Về personal branding cho chính bạn, vai trò tiếp theo bạn muốn làm là gì? Nó giúp được gì cho định hướng 5-10 năm tới?
  • Công ty hiện tại có giúp mình phát triển tiếp không? Mình có lựa chọn bị mắc kẹt với công ty này không?

Và câu hỏi quan trọng nhất:
Ngoài việc được gọi là Entrepreneur – bạn còn muốn được ghi nhận bởi tilte nào khác không? (Financial Expert? Operation Expert? Marketing Guru? Deal Maker? Venture Builder? etc … )

Túm lại, mấy nay mình trăn trở nhiều nên thui quyết định viết ra để share cái đống câu hỏi trên cho anh chị em cùng đọc, rồi góp ý thêm cho mình cũng như share thêm có hướng nào khác mà mình chưa thấy hay không? Network mình tính ra cũng kha khá các bạn đang/đã/sẽ là entrepreneur, cho nên mình muốn nghe thêm từ các bạn.

Edit: nhờ anh em comment, tâm sự riêng, mình có thêm ý tưởng cho phần 2 chia sẻ đúng câu trả lời cho vụ Career Path ni, chứ không nó dừng ở 1 đống câu hỏi thì … không hay lắm.

Photo Credit: Getty Image

Winner’s Game vs. Loser’s Game

Winner’s Game vs. Loser’s Game
https://www.farnamstreetblog.com/2014/06/avoiding-stupidity/

Trong lĩnh vực nào cũng vậy, có dân chuyên nghiệp (professionals) và kẻ nghiệp dư (amateurs). Hai nhóm này có cách chơi/làm hoàn toàn đối nghịch nhau, mặc dù có chung luật lệ, sân chơi, công cụ, … Đôi khi Amateurs tin là mình đang là Pro, còn Pro thì sẽ không bao giờ nghĩ mình là amateur.

Ví dụ trong bài viết nói về tennis, nhưng mình thấy đúng cho hầu hết lĩnh vực khác trong cuộc sống. Amateur thường sẽ thắng game bằng cách ít mắc lỗi hơn đối thủ, giống như trong tennis thì 80% là do người Amateur tự mất điểm chứ không phải vì đối phương có một chiêu khó (và hoàn toàn ngược lại trong game của Pro).

“… the amateur duffer seldom beats his opponent, but he beats himself all the time. The victor in this game of tennis gets a higher score than the opponent, but he gets that higher score because his opponent is losing even more points….”

và cách để chiến thắng chính là tránh phạm sai lầm

“… the strategy for winning is to avoid mistakes. The way to avoid mistakes is to be conservative and keep the ball in play, letting the other fellow have plenty of room in which to blunder his way to defeat, because he, being an amateur will play a losing game and not know it…”

Điều quan trọng nhất ở đây chính là hầu hết chúng ta đều chỉ là dân amateur, nhưng đều cố tình phủ định nó. Hơn nữachúng ta đều đang phải chơi trong game của dân Professionals, nhất là trong business. Để chiến thắng khi chúng ta chỉ là amateur, đó chính là làm sao để không mắc phải sai lầm để tự chết. Hay nói cách khác, làm sao tránh khỏi sự ngu ngốc (stupidity) thường xuyên, thay vì đi tìm kiếm sự sáng suốt (brilliance). Những case startup chết gần đây thường do tự chết nhiều hơn là bị đối thủ/thị trường giết.

Quay lại hầu hết những công việc mà tôi cũng như các bạn đang làm, đều có thể giải quyết một cách đơn giản, rõ ràng, dể hiểu và thậm chí có vẻ không sáng tạo hay gì cả. Quan trọng là chúng ta giải quyết được vấn đề, thay vì cứ nghĩ trên trời tìm kiếm cách thức gì đó quá cao siêu, rồi tự làm mình “mất điểm” không cần thiết.

Và tất nhiên, nếu bạn thật sự đang là professional trong lĩnh vực của bạn thì chắc chắn bạn cũng đã có chiến lược để thắng cho riêng mình rồi 😉

” … Wesco continues to try more to profit from always remembering the obvious than from grasping the esoteric. … It is remarkable how much long-term advantage people like us have gotten by trying to be consistently not stupid, instead of trying to be very intelligent. There must be some wisdom in the folk saying, `It’s the strong swimmers who drown…” (From Charlie Munger to Wesco Shareholder)

Ah với tất nhiên, “avoiding mistakes” khác với “playing not to lose” nha

P.S: trang Farnam Street này cực hay về phát triển bản thân đó.

Chọn cho mình một môi trường tốt nhất để phát triển

Cách đây đúng 3 năm tôi post đoạn này lên Facebook và được Facebook Memories nhắc lại:

“We tend to massively underestimate the compounding returns of intelligence. As humans, we need to solve big problems. If you graduate Stanford at 22 and Google recruits you, you’ll work a 9-to-5. It’s probably more like an 11-to-3 in terms of hard work. They’ll pay well. It’s relaxing. But what they are actually doing is paying you to accept a much lower intellectual growth rate. When you recognize that intelligence is compounding, the cost of that missing long-term compounding is enormous. They’re not giving you the best opportunity of your life. Then a scary thing can happen: You might realize one day that you’ve lost your competitive edge. You won’t be the best anymore. You won’t be able to fall in love with new stuff. Things are cushy where you are. You get complacent and stall. So, run your prospective engineering hires through that narrative. Then show them the alternative: working at your startup.” – Stephen Cohen, co-founder of Palantir.

Khi tôi ngẫm nghĩ lại càng thấm thía hơn với thông điệp này, nhất là sau gần 3 năm với Silicon Straits.

Thời điểm status này được post lên là khi tôi bắt đầu TGM Tech với Kent Nguyễn và team lúc đó chỉ có 3-4 người, đang loay hoay tìm hướng đi. Đúng 3 năm sau, TGM Tech đã trở thành Silicon Straits Saigon và team đã vượt mức 60 người (với hơn 20 người đã từng join). Thông điệp trên vô tình là kim chỉ nam cho những gì tôi làm tại SSS, mà thật ra đến gần đây tôi mới thật sự hiểu rõ.

Đối với gần 200 bạn tôi đã phỏng vấn, cũng như những bạn đang làm tại SSS, tôi “sell” SSS với các bạn bằng một thông điệp đơn giản: “SSS giống như 1 cái lò luyện thi vậy, có rất nhiều đề bài (Problems) để các bạn giải. Cũng giống như khi đi học, bạn giải nhiều đề khó thì skills bạn sẽ lên, kinh nghiệm của bạn sẽ được tích lũy. Do đó các bạn tại SSS có cơ hội được “grow” nhanh kinh khủng vì các bạn có thể học được thông qua việc giải quyết những vấn đề hóc búa trong việc xây dựng sản phẩm. Các bạn vào SSS ko phải để làm 1 programmer mà được train thành Product Builder, thông qua việc thật sự được build những sản phẩm khác nhau. Đây cũng sẽ là cơ hội của bạn nếu bạn join SSS.”

Đó không chỉ là việc sell, mà nó là việc thật sự đang diễn ra tại SSS hàng ngày. Nhìn những bạn chỉ trong chưa tới 1 năm grow lên level experienced của từng mảng, thật sự là việc tôi cảm thấy tự hào nhất khi xây dựng nên SSS này. Nó đúng nghĩa của “compounding returns of intelligent” như Stephen Cohen đã chia sẻ. Hơn hết, bản thân tôi cũng được giải rất nhiều đề bài khác nhau về việc xây dựng công ty, phát triển con người, xây dựng tổ chức, vận hành doanh nghiệp và hàng tá những kiến thức khác về quản lý. Tất cả chỉ trong 3 năm ngắn ngủi.

Do đó, nếu bạn đọc được bài này, tôi có 1 lời khuyên cho bạn: Hãy tìm kiếm cho mình những môi trường cho bạn được nhiều problems để bạn solve và để bạn phát triển. Có thể nó sẽ rất khó, rất mệt, rất đuối và không đem lại cho bạn nhiều tiền. Nhưng đây là cách hiệu quả nhất bạn sử dụng tuổi trẻ của mình, đặc biệt là trong giai đoạn 22-30 tuổi của bạn

Chúc bạn thành công.

30 điều tôi học được cho tuổi 30

Hôm nay là ngày tôi bước sang tuổi 30. Như ông bà nói “tam thập nhi lập”, tuổi này được xem bước sang một ngưỡng mới cho sự trưởng thành hơn, làm chuyện lớn hơn và quan trọng là xây dựng gia đình và sự nghiệp cho riêng mình. Thế nên tôi cũng muốn dành chút thời gian ghi lại những điều mà tôi học được, cảm nhận được và tâm đắc nhất trong suốt 30 năm đầu cuộc đời của mình:

  1. Gia đình là quan trọng nhất: cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa, bạn sẽ luôn có gia đình để dựa vào. Cho nên hãy luôn tìm mọi cách bảo vệ, trân trọng và xây dựng gia đình của mình, dù bạn có thể cực kỳ bận rộn với công việc, với bạn bè, với mọi thứ.
  2. Nên lắng nghe nhiều hơn nói. Việc lắng nghe chân thành với những người xung quanh sẽ giúp bạn hiểu được họ hơn và kết nối được thật sự. Họ luôn có những cái thú vị để bạn lắng nghe, nếu bạn có thể thật sự lắng nghe.
  3. Luôn tự hỏi “Mình muốn gì?”: có nhiều thời điểm trong cuộc sống bạn sẽ cảm thấy bị mất phương hướng, đơn giản vì bạn ko thật sự trả lời nghiêm túc cho câu hỏi Mình muốn gì từ việc này? Nếu bạn trả lời được, gần như bạn sẽ luôn có cách để đạt được cái mình muốn.
  4. Nhưng có đôi lúc bạn sẽ cảm thấy bạn không biết mình đang muốn gì và hãy nhớ điều đó cũng hoàn toàn bình thường. Đây đơn giản chỉ là dấu hiệu để bạn tìm kiếm những mục tiêu mới trong cuộc sống, hoặc dành thêm thời gian cho bản thân mình để suy nghĩ.
  5. Hãy luôn là người tốt. Sống ở một môi trường như Việt Nam, sẽ không dễ dàng để luôn làm việc đúng và việc tốt. Nhưng bạn vẫn có thể luôn lựa chọn sống trung thực, đối xử tốt với càng nhiều người càng tốt. Khi đó bạn không chỉ cảm thấy thanh thản hơn mà thường việc tốt sẽ quay lại.
  6. Thông minh với tiền bạc của mình: rất ít bạn trẻ được nhận những lời khuyên tốt về tiền bạc, và kể cả có nhận cũng không đủ kỷ luật để làm theo. Hãy nhớ rằng, bạn vẫn sẽ phải trả món nợ bạn tạo ra lúc 20 tuổi vào lúc 30 hoặc thậm chí 40 tuổi.
  7. Đừng bao giờ than phiền. Không ai thích sống chung với những người hay than phiền và luôn nhìn tiêu cực về cuộc sống. Than phiền không giải quyết được vấn đề. Thay vì đó hãy dành năng lượng của mình tìm cách xử lý nó, hoặc đơn giản hơn tránh xa khỏi nó.
  8. Sức khỏe là cực kỳ quan trọng: lời khuyên này luôn là thừa, nhưng cũng sẽ là lời khuyên dễ bị bỏ qua nhất khi bạn đang bị cuốn vào 1 thứ hấp dẫn: công việc, tiền bạc, học hành, yêu đương … Bạn có thể nghĩ việc bỏ một bữa ăn, hoặc không chơi thể thao nó không làm mình yếu đi. Nhưng mỗi ngay bạn yếu 0.1% thì chỉ 3 năm là bạn kiệt sức đó.
  9. Chọn bạn mà chơi. Khi càng lớn bạn sẽ thấy lời khuyên “bạn là trung bình cộng của 5 người bạn hay tiếp xúc nhất” càng đúng. Không nhất thiết bạn phải chơi với bạn giàu, mà bạn cần chơi với những người bạn tốt, thông minh và luôn phấn đấu trở nên tốt hơn.
  10. Đừng bao giờ làm việc chỉ vì tiền. Hãy lựa chọn công việc mình có thể làm tốt cũng như đủ thử thách để bạn có học hỏi và trải nghiệm. Từ đó bạn sẽ tích lũy nhiều kinh nghiệm và kỹ năng. Khi đó tiền sẽ là sự phản ánh về giá trị của bạn đem lại trong công việc.
  11. Bạn cần phải nếm trải sự thất bại. Ai cũng sẽ có lần gặp thất bại, nhưng không ai cũng có thể thật sự trải nghiệm và học hỏi từ thất bại của mình.
  12. Thế giới này thú vị vì có cả người tốt lẫn kẻ xấu. 
  13. Đừng lãng phí thời gian. Tuổi 20 luôn đầy những cám dỗ làm phí phạm thời gian của mình như ngồi cafe hay nhậu nhẹt. Không chỉ vậy, kể cả khi bạn đi làm, bạn cũng sẽ dễ bị
  14. Thoát khỏi vùng an toàn của chính mình. Nếu bạn chỉ loanh quanh trong vùng an toàn của mình, đến khi bạn 30 tuổi, bạn cũng vẫn chỉ là 1 bạn trẻ 20 tuổi mãi thôi.
  15. Đừng so sánh mình với mọi người. Mỗi người có 1 hoàn cảnh, 1 trải nghiệm, 1 lối sống và 1 hướng đi riêng. Bạn có thể nghĩ cuộc sống của bạn không tốt đẹp bạn họ, nhưng biết đâu chính họ cũng đang ngưỡng mộ cuộc sống của bạn.
  16. Hạnh phúc đến từ bên trong. Bao nhiêu tiền bạc của cải hay sự sang trọng hào nhoáng cũng sẽ không đem lại cho bạn hạnh phúc thật sự nếu bên trong bạn không cảm thấy hạnh phúc. Đôi khi chỉ cần 1 việc đơn giản trong cuộc sống như nụ cười của người thân của cũng là quá đủ. Do đó hãy theo đuổi hạnh phúc đến từ những thứ đơn giản, vì bạn sẽ luôn dư thừa những thứ đó.
  17. Cuộc sống bạn sẽ trở nên đầy màu sắc khi có em bé vì bạn sẽ được nhìn lại cuộc sống đầy phức tạp này bằng 1 con mắt ngây thơ, hồn nhiên một lần nữa. Bạn sẽ cảm nhận được năng lượng từ sự hồn nhiên đó và giúp mình thấy cuộc sống nó trở nên tươi vui và thú vị hơn nhiều.
  18. Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, luôn tìm cách tiến về phía trước: chắc chắn bạn sẽ vấp ngã, chắc chắn bạn sẽ mắc sai lầm, lớn hay nhỏ; nhưng bạn chỉ thật sự thất bại (với chính bản thân mình) khi bạn bỏ cuộc. Vì vậy cứ tiếp tục tiến về phía trước. 1 năm sau, 3 năm sau, 10 năm sau bạn nhìn lại cú ngã đó, bạn sẽ thấy nó chẳng là gì cả, và thậm chí bạn sẽ cảm ơn nó vì nhờ vậy bạn đã lớn không hơn rất nhiều.
  19. Hãy thư giãn, mọi chuyện đều có cách giải quyết của nó: đôi khi bạn sẽ bị bế tắc, trong công việc, cuộc sống, tình cảm, bạn bè, … Nếu bạn cảm thấy không biết phải giải quyết như thế nào, tạm gác lại, thư giãn, nghỉ ngơi thậm chí đi ngủ, bạn sẽ dễ tìm ra được giải pháp cho vấn đề của mình hơn là cứ vò đầu bứt tóc (cái này khoa học đã chứng minh)
  20. Học cách xin lỗi chân thành, đừng để đến khi quá muộn. Nếu bạn thấy mối quan hệ của mình quan trọng hơn cái tôi của chính mình, hãy xin lỗi ngay khi mắc lỗi.
  21. Bạn sẽ không bao giờ có được tất cả những điều bạn muốn, nhưng chắc chắn sẽ có được điều bạn cần. Bạn cần phân biệt rõ cái nào là “phải có” và “nên có”.
  22. Kiểm soát những gì bạn đưa vào bản thân mình: từ thức ăn, cho đến kiến thức, và cả tin tức, phim ảnh nữa. Nếu bạn suốt ngày ăn đồ dầu mỡ thì đừng trách sao mình bị béo phì, cũng như liên tục xem phim Hàn Quốc thì đừng trách sao mình trở nên ủy mị ướt át.
  23. Luôn tự nhắc mình hãy tận hưởng cuộc sống. 30 tuổi có thể là nửa đời người hoặc cả đời người, bạn sẽ không biết được ngày mai thế nào. Do đó hãy tận hưởng cuộc sống của mình mỗi ngày.
  24. Tập trung năng lượng của mình vào những việc có ích. Thay vì dành năng lượng vào những việc tiêu cực, hoặc những việc mình không thể kiểm soát được như việc đọc tin tức cướp giết trên báo, bạn có thể cho đầu óc mình lành mạnh hơn và có nhiều năng lượng để làm việc có ích hơn.
  25. Đôi khi tiền có thể mua được thời gian: trong kha khá trường hợp, bạn có thể dùng tiền để mua lại thời gian cho mình. Ví dụ như việc thuê nhà đắt hơn 500k đồng để gần công ty hơn và tiết kiệm 1h mỗi ngày cho việc đi lại, bạn vẫn sẽ lời chán nếu lương hiện tại của bạn đang tầm 8tr/tháng.
  26. Tiền không mua được hạnh phúc nhưng có thể mua được sự tự do. Tự do để làm những việc bạn thích, giúp những người bạn muốn giúp cũng như tạo nên những thứ tốt đẹp cho cuộc sống. Do đó không có gì sai khi bạn đam mê kiếm tiền .. một cách chân chính.
  27. Hãy tìm mọi cách để được làm việc chung với người giỏi. Bạn có thể chứng tỏ bản thân mình liên tục để được vào những team mạnh, và sau này sẽ là tìm cách thuê được những người giỏi (hơn bạn) để làm việc với họ.
  28. Luôn  tìm cơ hội thường xuyên để nói chuyện và chia sẻ với ba mẹ. Bạn càng thêm tuổi thì ba me bạn cũng vậy, và thời gian họ còn bên bạn sẽ rút lại. Đừng bao giờ để mình phải hối tiếc vì không nói “Con yêu ba mẹ” khi còn cơ hội.
  29. Hãy đọc thật nhiều! Đọc sách. Đọc những bài viết hay và giúp cho cuộc sống bạn thêm phong phú hoặc thêm trải nghiệm. Bớt đọc tin tức lá cải, đa phần chúng chẳng giúp được gì cho công việc và cuộc sống của bạn.
  30. Tập viết lách. Viết để rèn luyện suy nghĩ của mình. Viết để chia sẻ. Viết để ghi lại những trải nghiệm của chính mình. Bạn sẽ không biết được khi nào những chia sẻ này có thể giúp ích cho 1 người mà bạn không quen biết.

Tôi cũng chẳng phải là người đã cực kỳ thành công, cũng như không phải một người nổi tiếng. Nhưng tôi vẫn hi vọng những lời khuyên này có thể giúp được bạn phần nào nếu bạn cũng đang trong ngưỡng 20-30 như tôi đã từng trải qua.

 

Cập nhật 01/05/2015: Hôm nay tôi vừa được đọc 1 bài viết cũng với chủ đề tương tự của 1 một người tôi vô cùng hâm mộ Sam Altman (chủ tịch YCombinator, chương trình Accelerator tốt nhất trên thế giờ). Và tôi nghĩ bạn cũng sẽ thích bài viết này: The days are long but the decades are short

 

Dành 30 phút mỗi ngày để tự học

Vài tuần trước tôi có tham khảo được bài viết này How 30 Minutes a Day Can Increase Your Intelligence. Cũng như bao nhiêu bài về Productivity từng đọc khác, tôi lướt qua xong close Tab. Tuy nhiên vài hôm sau lại gặp khái niệm này ở 1 article khác đồng thời phát hiện ra mình đang hơi thiếu động lực và cảm thấy dần ngu đi. Cho nên quyết định làm theo với hi vọng vớt vát được tí trí thông minh của mình.

Nói tóm lại đơn giản: Hãy dành 30 phút mỗi ngày để tập trung học 1 cái gì đó mà bạn thích.

Nghe thì đơn giản nhưng không dễ. Nhất là những bạn giống tôi, thường không đủ quyết tâm và động lực để làm.

Sau đó tôi phát hiện ra vài nguyên tắc để giúp cho việc này tốt hơn:

  • Nên chọn 1 cái gì đó dài hạn 1 tí. 30ph có thể đủ để bạn đọc vài article nhưng nó không đủ sâu để giúp bạn thông minh hơn.
  • Một lựa chọn là đọc sách
  • Hoặc là đăng ký học các khóa online (nói thêm ở dưới)
  • Hoặc đi học 1 lớp bên ngoài (anh văn, đàn, vẽ, …)
  • Hoặc dành thời gian để làm 1 project mà bạn ấp ủ (làm 1 app iOS chẳng hạn)

Trong bài viết thì có thêm 1 số ý khác:

  • Hãy chọn học cái gì bạn luôn rất muốn được học và biết chắc là nó sẽ giúp  mình thông minh giỏi giang hơn
  • Sau 1 thời gian (khoảng 1 tháng), hãy nhìn lại xem mình đã tiến bộ như thế nào rồi
  • Nếu bạn có hụt vài buổi thì cũng đừng nên dằn vặt quá
  • Hãy kiên nhẫn, đừng nghĩ kết quả sẽ đến tức thì.

Quay lại, tôi thấy học Online là phương pháp hiệu quả nhất. Lý do (1) thường các chương trình này đủ dài (2) mình tự do lựa chọn và thường những khóa học/môn học này thiết kế cũng rất hữu ích (3) càng lúc càng nhiều platform để lựa chọn

Nếu bạn học được tiếng Anh thì:

Còn tiếng Việt thì hiện tốt nhất là có Kyna (chưa nhiều lắm nhưng chắc sẽ bổ sung trong tương lai).

Chúc bạn may mắn và hãy chia sẻ nếu bạn làm được nhé.

 

20 dấu hiệu cho thấy bạn đang bắt đầu thành công trong cuộc sống

Bài gốc tại Life Hack – 20 Signs You Are Succeeding In Life Even If You Don’t Feel You Are

Thật ra tôi đã đọc được bài này cách đây hơn 1 tháng, tab của bài vẫn mở đó để nhắc mình đọc kỹ hơn, nghiền ngẫm và quan trọng là dịch lại. Đơn giản vì tôi bắt đầu thấy những dấu hiệu này rất rõ ràng với bản thân mình, đủ cả 20 dấu hiệu. Và quan trọng như trong tựa đề gốc: “..even if you don’t feel you are.”, tôi hoàn toàn chưa cảm nhận là mình đang thành công.

Do đó tôi muốn dịch bài này theo cách hiểu của mình, đầu tiên là để nghiền ngẫm, và cũng để chia sẻ với bạn. Hi vọng nó cũng sẽ giúp cho bạn cảm nhận được nhiều thứ giống tôi. Tôi sẽ không dịch chính xác mà chỉ đưa những ý chính cũng như 1 số cảm nhận của mình vào. Cho nên bạn hãy xem thêm bài gốc nhé. Continue reading “20 dấu hiệu cho thấy bạn đang bắt đầu thành công trong cuộc sống”

Questolution thay vì Resolution

Mấy hôm trước mình có đọc post về Questolution trên Quora, mình thấy ý tưởng này hay và ý nghĩa nên quyết định viết lại để chia sẻ cho mọi người.

Resolution – hay tạm dịch là khẳng định quyết tâm đầu năm mới – là những lời khẳng định của bản thân, thường là ngay thềm năm mới về những thay đổi, những mục tiêu sẽ đạt được trong năm. Và 99% là những Resolution này sẽ tan theo mây khói sau vài tuần.

Cho nên bài viết trên Quora giới thiệu 1 khái niệm mới là Quest-olution thay vì Res-olution. “Questolution” có ý nghĩa như Resolution nhưng ở dạng câu hỏi (Question) thay vì câu khẳng định (Statement).

Ví dụ:

A. Năm 2014 tôi sẽ tập thể dục thường xuyên (Statement).

B. Năm 2014, làm thế nào để tôi có thể tập thể dục thường xuyên (Question)

Vậy tại sao Question lại tốt hơn Statement trong trường hợp này? Theo giải thích của bài viết cũng như nghiên cứu kèm theo thì có những lý do sau:

1. Câu hỏi sẽ “engaging” hơn

Vì nếu mình phán câu A ở trên xong thì … hết phim. Còn nếu là câu B thì nó sẽ “kích thích”, mời gọi bản thân nghĩ tiếp, đào bới sâu hơn.

Như ví dụ trên, những câu trả lời (và thậm chí những câu hỏi mới) sẽ được gợi mở ra đại loại như “Vậy có nên chạy bộ hàng ngày không?” “Đăng ký tập gym như thế nào giờ?” “Nếu mình có 1 nhóm bạn cùng tập chung thì mình sẽ có thói quen dễ hơn không?” …

Nói chung mình sẽ tự mở đường để mình suy nghĩ tiếp cho việc thay đổi tích cực muốn có trong năm mới này.

2. Câu hỏi ít “đáng sợ” hơn

Không như câu khẳng định rất chắc nịch, câu hỏi ít áp lực hơn. Thật ra, một trong những lý do có New Year Resolution là để tạo ra áp lực cho bản thân có sự thay đổi, tuy nhiên áp lực này thường không tồn tại lâu và kết quả là resolution cũng tan theo mây khói.

Do đó việc đặt ra Questolution không tạo ra những áp lực không cần thiết mà thay vào đó là mở đường cho việc hướng tới thay đổi tích cực mong muốn. Hơn nữa nó cũng giúp vạch ra từng bước để đến đích, như việc tập thể dục thường xuyên cần xuất phát bằng việc chọn môn thể thao mà mình có thể thoải mái tập hàng ngày, hàng tuần. Cũng giống như việc tạo một thói quen mới luôn cần những hành động nhỏ ban đầu.

3. Câu hỏi dễ “chia sẻ” hơn

Trong ngày 1.1 (hoặc là từ 31.12 hoặc mùng 1 Tết), thường sẽ tràn ngập những resolution trên Facebook. Nhưng những status đó bạn bè nhìn vô, ủng hộ thì like 1 cái, còn không thì dìm hàng, ném đá hoặc tâng bốc, “good luck” đủ kiểu. Hoặc đa phần sẽ bị bỏ qua vì chuyện ai nấy lo thôi.

Nhưng nếu là 1 câu hỏi mở như Questolution, thì bạn bè sẽ dễ dàng chia sẻ, giúp đỡ và ủng hộ 1 cách thực tế hơn. Như ví dụ trên được post lên Facebook thì có thể sẽ nhận được góp ý theo kiểu “Ê đi đánh cầu lông với tao không, tối 3,5,7 ở Phú Thọ nè.” hoặc “Mỗi tuần đá banh với công ty nha mày, cũng là tập luyện đó!”. Khi đó thì quyết tâm của mình nó không chỉ có mình, mà còn bạn bè người thân xung quanh và ủng hộ một cách thật sự hữu ích.

Thậm chí nếu câu hỏi bạn đặt ra hơi khó tí, việc bạn bè góp ý vào cũng sẽ mở ra thêm nhiều hướng suy nghĩ và giải pháp mới nữa. Như câu hỏi “Giờ muốn kiếm tiền gấp đôi năm ngoái thì có gì làm không ta?”, bản chất mình đặt ra vậy cũng là hơi bí đường rồi. Khi này sự trợ giúp từ bạn bè quý giá biết bao.

Nói tóm lại, dịp đầu năm mới vẫn là lý tưởng cho những sự thay đổi tích cực, những mục tiêu tốt đẹp cũng như là cơ hội để mình sống tốt hơn (ủa mà ngày nào chả được vậy). À tại Tết nhất thì có thêm tí ý nghĩa tinh thần nên tranh thủ tận dụng đi vậy.

Còn Questolutions của tui cho năm nay đó hả?

“Cách nào để thật sự hoàn thành được những việc mình đã bắt đầu từ năm ngoài?”

“Nếu có 1 sự thay đổi lớn bất ngờ xảy ra trong năm 2014, từ bây giờ cần làm gì để chuẩn bị nó?”

“Làm sao để cân bằng giữa công việc, gia đình, bạn bè và bản thân tốt hơn?”

 

Chúc mọi người tự ngẫm nghĩ được vài câu hỏi quý giá cho bản thân nhân dịp Tết Dương Lịch 1.1.2014. Còn lỡ hụt rồi thì bắt đầu cũng không muộn, có thêm 1 tháng trăn trở nữa để đến cái Tết Âm Lịch mà.

 

2014 Questolution

 

P.S: Bài viết này là câu trả lời cho một trong những Questolution của mình năm nay: “Làm sao để mình có thể viết thường xuyên và đều đặn hơn trong 2014?” dẫn đến là “Vậy làm 1 bài đầu năm lấy hên thì sao hen?”, tiếp tới “Viết cái gì giờ ta?” – “Dịch lại chắc lẹ hơn phải hok?” – “Dịch cái bài nó inspire mình để chia sẻ luôn cho mọi người phải chăng cũng là ý tưởng tốt”. Tóm lại vậy đó.

 

Bài này được đăng bên Facebook và nhiều người hưởng ứng nên kéo về đây để lưu lại